Đông y quan niệm “xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng”, tức mùa xuân sinh sản, mùa hạ phát triển, mùa thu co ngắn, mùa đông chất chứa. Mùa đông là mùa thích hợp để bồi bổ, tích dương khí cho cơ thể.
Ba món bổ dưỡng cho mùa đông được người xưa Trung Quốc ưa dùng:
Củ cải giúp tiêu đờm
Tục ngữ có câu “mùa đông ăn củ cải, mùa hạ ăn gừng”. Củ cải thu hoạch trong tháng 11 được ví như nhân sâm. Đông y coi phổi là cơ quan nội tạng dễ bị tổn thương, nơi đầu tiên bị vi khuẩn xâm nhập và cần chăm sóc đặc biệt khi giá lạnh.
Củ cải trắng có tính mát, vị ngọt, quy kinh phế, thích hợp với những người bị nhiệt phế, nhiều đờm, đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa. Nếu muốn giảm ho, hãy trộn củ cải trắng với đường phèn, để tiêu đờm, nhuận phổi, trị ho. Nếu bị khô đau họng thì đun củ cải trắng với quả oliu thành nước uống, giảm sưng, đau cổ họng.
Củ cải có tính lạnh nên người bị tỳ vị hư hàn, viêm loét dạ dày, tiêu chảy… không nên ăn nhiều. Ngoài ra, không nên ăn củ cải cùng lúc với thuốc bổ như nhân sâm, hoàng kỳ, vì thực phẩm này sẽ cản trở hấp thu các dưỡng chất.
Khiếm thực bổ lá lách
Khiếm thực, củ cây hoa súng, là thực phẩm bồi bổ, giúp “kiện tỳ khứ thấp”, bổ thận, giảm tiêu chảy… Nhà văn, nhà thơ nổi tiếng Trung Quốc thời Tống, Tô Đông Pha, từng nhiều lần nhấn mạnh việc ăn khiếm thực trong chế độ dưỡng sinh của mình.
Khiếm thực khô hoặc tươi có thể nhai luôn sau khi ngâm nước hoặc đun với hạt sen, củ tam thất, phục linh, khoai thành món canh bổ dưỡng. Những người thức khuya, nổi mụn, nhiệt miệng, táo bón nên uống món canh bổ dưỡng này để dưỡng âm, bổ tỳ vị, ổn định hệ tiêu hóa.
Táo đỏ bổ trung ích khí
Táo đỏ có rất nhiều lợi ích đối với cơ thể. Dân gian có câu “ăn ba quả táo đỏ mỗi ngày sẽ trẻ mãi không già”. Đông y cho rằng táo đỏ có vị ngọt tính ấm, giúp bổ trung ích khí, dưỡng huyết an thần, là thực phẩm bồi bổ rất tốt cho mùa đông.
Táo đỏ giàu chất sắt, thúc đẩy tuần hoàn máu, phù hợp cho người suy nhược, thiếu máu, phụ nữ bị lạnh tay chân. Có thể lấy vài quả táo đỏ, một nắm nấm mèo và một lượng đường phèn vừa đủ… để nấu món canh táo đỏ nấm mèo.
Hoặc, nấu táo đỏ, đương quy và gạo lứt thành cháo. Quả táo đỏ tốt nhưng vỏ táo có hàm lượng chất xơ cao, khó tiêu, nên chỉ ăn lượng vừa phải.