Nga thử nghiệm vaccine Sputnik liệu trình một liều
Nga sẽ thử nghiệm lâm sàng vaccine Sputnik-Light liệu trình một liều, dự kiến cung cấp cho các nước tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao.
150 tình nguyện viên sẽ tiêm thử tại 3 cơ sở y tế thuộc thành phố St Petersburg và Moskva.
Hôm 11/1, Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ Đầu tư Quốc gia Nga (SWF) tuyên bố sẽ giữ nguyên liệu trình hai liều cho người dân Nga, trong khi Sputnik-Light phục vụ mục đích xuất khẩu. Tới nay, hơn một triệu người Nga đã được tiêm vaccine Sputnik V.
“Sputnik-Light có thể là một giải pháp tạm thời có nhiều nước đang trải qua đỉnh dịch Covid-19”, Dmitriev bổ sung.
Tổng thống Vladimir Putin cho biết Sputnik-Light tạo ít kháng thể hơn, song “vẫn đạt hiệu quả 85%”, khả năng miễn dịch bảo vệ có thể kéo dài 3-4 tháng.
Khi tiêm đủ hai liều, vaccine Sputnik V hiệu quả trên 91%.
Chính quyền một số nước đang tìm cách mở rộng nguồn cung vaccine Covid-19, hoãn lịch tiêm liều thứ hai và giảm liều lượng sản phẩm. Mục đích là tối đa hóa số người được miễn dịch một phần, từ đó giảm các ca nhiễm nghiêm trọng và gánh nặng y tế.
Viện nghiên cứu Gamaleya phát triển vaccine Sputnik V dựa trên công nghệ vector virus, với hai liều tiêm cách nhau 21 ngày. Các nhà nghiên cứu phát hiện sản xuất kém ổn định hơn dẫn đến tình trạng thừa liều tiêm đầu tiên.
Tháng 12/2020, Nga phân phối 300.000 lọ vaccine Sputnik-V tới Argentina, song toàn bộ lô hàng chỉ chứa liều tiêm đầu tiên.
Vaccine Sputnik V có giá dưới 10 USD một liều trên thị trường quốc tế. Nhiệt độ bảo quản là 2-8 độ C, cao hơn so với một số ứng viên khác.
Nga hồi tháng 8 trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép vaccine Covid-19. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Sputnik V tạo hệ miễn dịch bền vững, dù chưa hoàn thành thử nghiệm Giai đoạn ba. Hai tháng sau, nước này tiếp tục cấp phép vaccine Covid-19 thứ hai có tên EpiVac Coronado do Viện virus học Vector phát triển.
Ghi nhận 3.425.269 ca nhiễm, ít nhất 62.273 ca tử vong, Nga hiện là vùng dịch lớn thứ tư thế giới chỉ sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil.
Theo VnExpress