Đồ ăn chế biến sẵn có gây nghiện?

-

Các nhà khoa học đang tranh luận pizza, chocolate, bimbim, khoai tây chiên, bánh quy… có khả năng gây nghiện như rượu hoặc ma túy.

Thực phẩm đã qua chế biến được tiêu thụ rất nhiều tại Mỹ. Một nhóm các nhà nghiên cứu phát hiện trong năm 2009-2010, trung bình mỗi ngày một người Mỹ nạp 57,9% lượng calo từ đồ ăn làm sẵn chứa nhiều đường, muối, dầu mỡ và các chất phụ gia khác.

Các yếu tố như giá thành rẻ, tiếp thị và quảng cáo là bệ phóng khiến những món ăn này trở nên phổ biến. Ngoài ra, đồ ăn chế biến sẵn còn có tính gây nghiện – một cơ chế đang được giới khoa học tìm hiểu. Liên quan tới vấn đề này, hai báo cáo của Ashley Gearhardt và Johannes Hebebrand trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ đã đưa ra những quan điểm trái chiều.

Khi nghiên cứu hành vi của 500 người đối với thực phẩm, giáo sư Gearhardt, thuộc khoa tâm lý Đại học Michigan, nhận thấy một số món ăn có thể kích thích “cơn nghiện” ở người, dẫn đến các biểu hiện như mất kiểm soát, thèm ăn và ăn nhiều dù họ nhận thức được tác hại của chúng. Dẫn đầu danh sách là pizza, chocolate, bimbim, khoai tây chiên, bánh quy, kem và bánh burger phô mai. Chúng đều có nhiều chất phụ gia góp phần làm tăng độ ngon khó cưỡng của sản phẩm.

Trong một nghiên cứu khác, giáo sư Gearhardt chỉ ra khi một người cắt giảm lượng thức ăn chế biến sẵn, họ có những hành vi giống như người nghiện cai thuốc như cáu kỉnh, mệt mỏi, buồn chán, thèm ăn. Bà từng thấy những bệnh nhân chật vật, cố kiểm soát mức tiêu thụ. Họ từng thử nhiều cách, nhưng chỉ được một thời gian là quay lại thói quen cũ.

Tuy nhiên, giáo sư Hebebrand, trưởng khoa tâm thần học tại Đại học Duisburg-Essen, Đức, phản đối nhận định thức ăn có khả năng gây nghiện. Ông cho rằng, dù khoai tây chiên hay pizza có sức hút khó cưỡng với một số người, chúng không làm thay đổi trạng thái của tâm trí như các chất gây nghiện. Hút thuốc, uống rượu hay sử dụng chất kích thích mang đến dạng khoái cảm ngay lập tức mà đồ ăn không thể làm được.

“Dù sử dụng bất kỳ chất gây nghiện nào, bạn sẽ thấy tâm trí, cảm xúc thay đổi – biểu hiện cho thấy chất đó đang tác động đến hệ thần kinh trung ương. Trong khi đó, ai cũng đã ăn đồ chế biến sẵn mà chẳng gặp tình trạng này vì không có chất nào ảnh hưởng trực tiếp lên não”, Hebebrand cho hay.

Khi một người bị phụ thuộc vào chất gây nghiện như nicotine hay ethanol, họ thường sử dụng chúng để giải tỏa nỗi buồn và các cảm xúc tiêu cực. Nhưng trong thực phẩm làm sẵn, không có thành phần nào được liệt vào nhóm gây nghiện, theo giáo sư Hebebrand. Thực tế, có bằng chứng cho thấy người ăn quá mức cần thiết có xu hướng tiêu thụ nhiều loại thực phẩm với cấu tạo, hương vị khác nhau. Hebebrand cho rằng việc ngành công nghiệp thực phẩm liên tục tung ra sản phẩm mới, tạo ra nhiều lựa chọn hấp dẫn là một phần nguyên nhân gây nên tình trạng ăn không kiểm soát.

Những người phản đối tính gây nghiện của đồ ăn chỉ ra rằng phần lớn mọi người vẫn ăn đồ đã qua chế biến mà không có biểu hiện ham mê thái quá. Nhưng theo bà Gearhardt, không phải chất gây nghiện nào cũng có thể thao túng con người. Nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng bị nghiện hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, gia đình, sang chấn tâm lý, nền tảng kinh tế – xã hội và môi trường.

Nếu bạn cảm thấy đồ ăn làm sẵn là thứ khó bỏ, bà Gearhardt khuyến cáo nên liệt kê những món ăn khiến bạn thèm thuồng đến phát điên, gạt chúng ra khỏi tầm mắt và tích trữ những thực phẩm lành mạnh hơn. Đồng thời, bạn nên để ý những yếu tố kích thích cảm giác thèm ăn. Đó có thể là cảm giác căng thẳng, chán nản, cô đơn hoặc là hàng bánh ngọt nằm ngay trên đường về nhà.

Hãy lên kế hoạch để kiểm soát chúng như chọn lối đi khác, tham gia các hoạt động để giải tỏa áp lực và xua đi nỗi buồn. Ngoài ra, bạn không nên bỏ bữa vì cơn đói dễ khiến bạn ăn nhiều hơn. “Thường xuyên nạp nhiều chất dinh dưỡng, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn là điều quan trọng, giúp bạn đi đúng hướng trong một thế giới với quá nhiều lựa chọn ăn uống”, giáo sư Gearhardt cho hay.

0 0 vote
Đánh giá bài viết
Đăng ký
Thông báo về
guest
0 Bình luận
Phản hồi
Xem tất cả bình luận