92.000 người Mỹ chết do Co-vid trong ba tuần
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ dự báo sẽ có khoảng 92.000 người tử vong vì Covid-19 trong ba tuần tới.
Chỉ trong hai tuần đầu tiên của năm mới, hơn 38.000 người Mỹ đã tử vong vì Covid-19.
Đây là những con số đáng sợ, phản ánh viễn cảnh chuyên gia y tế công cộng đã nhiều lần cảnh báo: Trước khi dịch bệnh suy yếu nhờ có vaccine, Mỹ một lần nữa đứng trước thử thách to lớn.
Hôm 14/1, các nhà nghiên cứu cho biết đại dịch sẽ làm giảm hơn một năm tuổi thọ của người dân Mỹ, xuống còn 77,48 tuổi, thấp nhất kể từ năm 2003.
Hiện Mỹ ghi nhận hơn 130.000 người nhập viện do nCoV, theo số liệu từ Dự án Theo dõi Covid-19.
Tại Pennsylvania, các quan chức cho biết số ca nhập viện gần gấp đôi mức đỉnh vào mùa xuân năm 2020. Bang Louisiana ghi nhận lượng bệnh nhân tăng đột biến. Ở Arizona, hôm 12/1, giới chức báo cáo số người điều trị Covid-19 trong khoa hồi sức tích cực cao kỷ lục.
Một phần ba số dân ở Los Angeles đã nhiễm virus kể từ khi dịch bệnh khởi phát. Nhà chức trách thông báo các cụm dịch chủ yếu tập trung tại nơi làm việc, trường học và nhà trẻ.
Nhiều chuyên gia không ngạc nhiên với tình hình ảm đạm này. Sau các buổi tụ tập kỳ nghỉ lễ, số ca nhập viện cao kỷ lục. Tại nhiều khu vực, bệnh viện quá tải.
Song, giới chức Los Angeles cho rằng “hệ quả của đợt nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới vẫn còn chưa ập đến”.
Washington ghi nhận trung bình hơn 320 ca mắc mới mỗi ngày, tăng khoảng 38% so với tuần trước. Thủ đô báo cáo tổng cộng hơn 32.600 trường hợp dương tính kể từ khi đại dịch bắt đầu, khoảng 10% trong số đó ghi nhận trong nửa tháng đầu năm 2021.
Tiến sĩ Paul Offit, thành viên Ủy ban tư vấn vaccine và sinh phẩm thuộc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA), nhận định dù đang ghi nhận những con số khủng khiếp, tình hình dịch bệnh tại Mỹ sẽ sáng sủa hơn trong những tháng sắp tới.
Ông nói: “Tiêm chủng hàng loạt, thời tiết ấm hơn, chính quyền tổng thống mới và khả năng miễn dịch cộng đồng có thể dẫn đến một mùa hè tốt đẹp hơn nhiều”.
Hôm 14/1, Tổng thống đắc cử Joe Biden công bố gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Trong đó 160 tỷ USD dành cho chương trình tiêm chủng quốc gia, mở rộng xét nghiệm và củng cố y tế công cộng.
30,6 triệu liều vaccine Covid-19 đã được phân phối khắp đất nước. Hơn 11,1 triệu người Mỹ đã tiêm mũi đầu tiên, theo dữ liệu của CDC.
Thống đốc Texas Greg Abbott thông báo bang đã tiêm chủng cho hơn một triệu người kể từ khi vaccine được triển khai vào một tháng trước.
“Đây là nỗ lực tiêm phòng lớn nhất chúng tôi từng thực hiện. Nó sẽ không thành công nếu thiếu đi sự cống hiến và nỗ lực không mệt mỏi của các nhân viên y tế. Chúng tôi vẫn còn con đường dài phía trước, song Texas sẽ tiếp tục chứng minh có thể vượt qua thử thách này”, ông nói.
Một số chuyên gia khuyến khích chính quyền bang mở rộng điều kiện sử dụng vaccine.
Ngày 13/1, New Jersey cho phép người từ 65 tuổi trở lên và người từ 16 đến 65 tuổi đang mắc bệnh mạn tính được tiêm chủng. California có động thái tương tự. Thông báo của cơ quan y tế cho biết y bác sĩ tuyến đầu và nhân viên tại các cơ sở chăm sóc dài hạn vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Thống đốc bang California Gavin Newsom nhận định: “Không gì cần thiết hơn việc phân phối vaccine một cách hiệu quả, công bằng càng nhanh càng tốt cho những người yếu thế nhất. Công dân từ 65 tuổi trở lên là nhóm tiếp theo được tiêm chủng”.
Các hiệu thuốc cũng đóng vai trò quan trọng, hỗ trợ phân phối vaccine. Hôm 13/1, Karen Lynch, phó chủ tịch hệ thống sức khỏe CVS Health, lạc quan có thể sớm trở thành đơn vị cung cấp hàng triệu liều tiêm mỗi ngày.
“Chúng tôi rất hy vọng liên bang sớm mở rộng phân phối trực tiếp đến các hiệu thuốc trên toàn quốc, nâng cao khả năng tiếp cận vaccine của người dân”, bà phát biểu trong Hội nghị Chăm sóc sức khỏe JP Morgan.
Theo VnExpress